Đền Hùng là quần thể du lịch nổi tiếng nhất Phú Thọ. Đặc biệt vào ngày 10 tháng 3 âm lịch hàng năm, lượng khách du lịch cũng như khách hồi hương đổ về đây rất lớn. Vậy các bạn đã có kinh nghiệm du lịch đền Hùng Phú Thọ chưa? Nếu chưa, hãy cùng tìm hiểu trong bài viết sau nhé!
1. Đôi nét về đền Hùng
Đền Hùng tọa lạc tại xã Hy Cương, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Đây không chỉ là một quần thể du lịch nổi tiếng trên núi Nghĩa Linh mà còn là nơi thờ phục 18 vị vua Hùng cùng các tôn thất của nhà vua.
Vào năm 1962, đền Hùng đã được Bộ Văn hóa Thông tin xếp hạng là khu di tích đặc biệt. Tới ngày 6/12/2012, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
2. Thời điểm thích hợp nhất để đi du lịch Đền Hùng Phú Thọ
Dịp đầu xuân chính là thời điểm thích hợp nhất để đi du lịch đền Hùng. Đây là lúc thời tiết mát mẻ, không quá nóng cũng không quá lạnh, mưa phùn nhỏ nhỏ mang lộc tới. Hơn nữa đâu cũng là thời điểm có nhiều lễ hội thú vị nên các bạn có thể trải nghiệm bầu không khí tấp nập, rộn ràng nơi đây.
3. Ngày giỗ tổ Hùng Vương
Bất cứ một người Việt nào cũng biết, ngày 10/3 âm lịch hàng năm là ngày giỗ tổ Hùng Vương. Đây là một trong những ngày lễ lớn của cả dân tộc. Vào ngày này, rất nhiều lễ hội, hoạt động như lễ rước kiệu, dâng hương được tổ chức tại đây. Lễ giỗ Tổ Hùng Vương hội tụ rất nhiều người từ mọi miền của Tổ Quốc. Họ về đây để tìm về với cội nguồn, để trải nghiệm một nét văn hóa độc đáo trong đời sống tâm linh của con người Việt. Ngày nay để kỷ niệm ngày giỗ, Bộ Lao Động Thương Binh và xã hội đã phê chuẩn cho toàn bộ người lao động Việt Nam được nghỉ vào ngày này.
4. Đi tới Đền Hùng bằng cách nào?
Chỉ cách thủ đô Hà Nội khoảng 90km nên việc đi lại rất dễ dàng. Đặc biệt chúng ta có thể đi về trong ngày bằng ô tô cá nhân, xe khách hoặc xe máy. Nếu đi xe máy, bạn có thể lựa chọn 2 cùng đường sau:
– Cung đường thứ nhất: Các bạn băng qua cầu Thăng Long, đi ra sân bay Nội Bài Thăng Long. Đến khu vực đường Quốc lộ 2, tiếp tục đi tới Cầu Việt Trì. Qua trung tâm thành phố Việt Trì, rẽ trái, đi khoảng tầm 10 kilomet nữa là tới Đền Hùng.
– Cung đường thứ hai: Đi dọc theo đường quốc lộ 32 đến Ba Vì (Sơn Tây). Khi nào tới cầu Trung Hà thì di chuyển đến Cầu Phong Châu. Qua Phong Châu chỉ cần đi thẳng là đến đền Hùng.
5.Giá vé tham quan đền Hùng
Quần thể du lịch Đền Hùng có 3 điểm chính cần phải trả phí tham quan như sau:
- Vé vào bảo tàng: 15.000 VNĐ/khách.
- Vé sử dụng xe điện: 50.000 VNĐ /khách.
- Vé tham quan các ngôi đền 10.000 VNĐ /khách.
6. Tham quan bảo tàng Đền Hùng
Bảo tàng Đền Hùng được đánh giá là khá đa dạng các hiện vật. Cụ thể trong khu bảo tàng 2 tầng cao hơn 30m trưng bày hơn 700 hiện vật gốc. Không chỉ có vậy, tại đây chúng ta có thể chiêm ngưỡng 9 bức gò đồng, 5 hộp bình, 163 bức tranh cùng rất nhiều các hiện vật đa dạng khác. Tới bảo tàng, du khách sẽ hiểu hơn về lịch sử thời Văn Lang – Âu Lạc cũng như quá trình dựng nước và giữ nước của 18 vị vua Hùng.
7. Tham quan các ngôi đền
Tại quần thể Đền Hùng, có 5 ngôi đền chính nằm rải rác xung quanh. Đó là đền Hạ, đền Trung, đền Thượng, đền Giếng và đền mẫu Âu Cơ. Đây là nơi khách du lịch thường xuyên ghé quá để dâng hương, khấn vái, làm lễ và vãn cảnh.
Đặc biệt hơn cả phải kể đến đền mẫu Âu Cơ, nơi thờ phụng mẹ Âu Cơ – người mẹ của vị vua Hùng đầu tiên khai sinh ra nước Văn Lang ngày đó. Đây là một ngôi đền linh thiêng và tuyệt đẹp nằm ẩn mình dưới một gốc cây đa cổ thụ. Phía trước là núi Giác, sau lưng là sông Hồng uốn lượn, tả hữu có giếng Loan, giếng Phượng càng làm tôn lên vị trí đắc địa của nơi này.
8. Khám quá Vườn quốc gia Xuân Sơn
Vườn quốc gia Xuân Sơn có diện tích lên tới 18.369 ha, nằm tại huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ. Vườn nổi tiếng về vẻ đẹp tự nhiên, hoang sơ và sở hữu một hệ sinh thái phong phú, đa dạng. Nếu bạn muốn tận mắt chiêm ngưỡng số lượng lớn những loài thực vật đẹp và quý như như cây rau sắng, dẻ, mộc lan…thì đây là một địa điểm cực kỳ thích hợp.
9. Đặc sản đền Hùng Phú Thọ
Vùng đất linh thiêng này cũng sản sinh ra rất nhiều món đặc sản hấp dẫn. Không thể không kể đến Bánh tai Phú Thọ làm từ gạo tẻ nhân thịt lợn có vị dẻo mát hòa quyện với hương thơm ngọt bùi. Hay chúng ta có thể thưởng thức thịt chua Thanh Sơn. Cái sần sật của bì nướng, vị bùi bùi của thịt, hoà quyện với vị chua chua của thính đã lên men thêm một chút vị chát ngọt của lá cây đã trở thành một món nhậu ngon tuyệt hảo không thể thiếu trên mâm của cánh đàn ông. Độc đáo hơn nữa là Cọ om. Đây chính là quả của cây cọ, đem om lên ăn bùi bùi, ngậy ngậy ngon không kém trám om. Ngoài ăn không, người dân địa phương còn kết hợp cùng kho cá hoặc nêm gia vị rất đậm đà.
10. Mua gì từ đền Hùng Phú Thọ về làm quà?
Ngoài những món đặc sản bên trên, khách du lịch có thể đặt mua một số thứ sau để mang về làm quà cho người nhà hoặc bạn bè. Bưởi Đoan Hùng là giống bưởi ngon có tiếng của miền Bắc. Đặc biệt trước và sau Tết, bưởi Đoan Hùng đều cho ra những trái vừa thơm vừa ngọt, xứng đáng để đặt lên bàn thờ cúng ông bà Tổ tiên. Chè Phú Thọ cũng là một lựa chọn không kém hấp dẫn. Ít ai biết được chè Phú Thọ đã được xuất khẩu sang nước ngoài và được nhiều bạn bè quốc tế đánh giá cao. Bên cạnh đó, các bạn có thể tham khảo thêm hồng Gia Thanh, tương Mỹ Dục, bánh làng Dòng….
Hy vọng sau bài viết trên, các bạn đã bỏ túi được khá khá kinh nghiệm du lịch Đền Hùng Phú Thọ rồi nhé!