Hát xoan Phú Thọ là loại hình văn hóa diễn xướng nổi tiếng tại vùng đất của các Vua Hùng. Việt Nam vinh dự có Hát xoan Phú Thọ trở thành Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Hãy cùng điểm qua 10 thông tin về loại hình âm nhạc nổi bật này.
Nguồn gốc của Hát xoan Phú Thọ
Hát xoan Phú Thọ là loại hình dân ca nghi lễ đã có lịch sử phát triển từ ngàn đời nay. Điệu hát này gắn liền với những giai thoại từ thời Vua Hùng dựng nước. Hát xoan gắn liền với tục thờ thần, thành hoàng. Trong ca hát còn có múa và phần âm nhạc mang nét đặc trưng.

Hát xoan là điệu hát gắn liền với nhiều giai thoại. Có tích kể rằng, vợ Vua Hùng khi mang thai đau bụng mà chưa đẻ được, có người hầu gái là Quế Hoa xinh đẹp, hát hay đã múa hát khiến vợ vua bớt đau và đẻ được. Vua Hùng mừng rỡ từ đó truyền cho các con gái của mình học theo Quế Hoa điệu múa này.
Cũng có câu chuyện kể rằng: có 3 anh em Vua Hùng đi qua thôn Phù Đức. Buổi trưa dừng chân tại bãi cỏ thấy đám trẻ chăn trâu vừa hát và đánh vật, kéo co. 3 anh em Vua Hùng thấy hay mà lệnh cho nhân dân học theo điệu hát đó và tổ chức lễ hội vào mùa xuân có các trò kéo co, đánh vật, hát xướng.
Hát xoan là lối hát cửa đình truyền thống
Hát xoan vốn là tục hát cửa đình vào mùa xuân khi có hội, đám tế thần. Vì thế, Hát xoan còn được gọi là “Khúc đình môn”. Mỗi dịp Tết đến, Xuân về các làng xoan lại tổ chức hát xoan và các nghi lễ truyền thống để bày tỏ lòng thành kính tới các vị thần linh và thể hiện niềm vui đón chào năm mới.
Thể cách trong hát xoan Phú Thọ
Hát xoan Phú Thọ có 3 chặng:
- Hát nghi lễ: gồm các bài: hát mời vua, giáo trống, giáo pháo, hát chào vua, thơ nhang, đóng đám.
- Hát quả cách gồm: kiều giang cách, tràng mai cách, ngư tiều canh mục cách….
- Hát giao duyên/hát hội: tết trầu, bỏ bộ, xin huê-đố huê, đố chữ….
Hát xoan nổi bật với các thể cách hát giàu ý nghĩa
Ca nhạc của xoan
Hát xoan có trống, phách và múa. Đây là các chi tiết kèm theo không thể thiếu tạo nên nét nổi bật của loại hình âm nhạc dân gian này. Cũng chính những vật dụng này khiến cho tiết tấu của hát xoan trở nên rất mạch lạc, rõ ràng.
Trong Hát xoan có những loại tiết tấu mà không loại hình âm nhạc dân gian nào có được như: đảo phách, biến phách. Lời ca trong Hát xoan là những câu ca dao, tục ngữ thể lục bát, thất ngôn, bốn chữ. Những câu hát dạng này xuất hiện phổ biến trong quả cách của lề lối hát xoan. Ngoài ra, trong lối hát cửa đình cũng xuất hiện thể phú tạo nên nét đặc biệt, ấn tượng của lối hát.
Nhạc khí trong hát xoan Phú Thọ
Đạo cụ trong hát xoan rất đơn giản thể hiện tính nghiêm trang của tín ngưỡng thờ cúng. Hát xoan có chiếc trống nhỏ với cặp phách được làm từ tre đực già. Kép trống giữ nhịp cho kép và đào hát. Trước khi vào trình diễn, kép trống sẽ đánh một hồi trống dài để báo hiệu, chuyển chặng hát kép trống cũng tiến hành co hồi trống để chuyển tiếp.

Thời gian tổ chức hát xoan
Hát xoan thường được biểu diễn vào ngày khai xuân tại đình, hay miếu làng. Trong ngày mùng 5 âm lịch sẽ hát tại Hội Đền Hùng. Thời điểm hát mỗi phường hát xoan sẽ chọn một vị trí cửa đình để hát. Nếu người hát là dân của đình sẽ đóng vai anh, còn người làng khác sẽ đóng vai em.
Các làng xoan
Hát xoan có nguồn gốc chính ở Phú Thọ, sau lan tới khu vực sông Lô Vĩnh Phúc. Có 4 phường xoan cổ là: An Thái, Phù Đức, Kim Đới và Thét ở xã Kim Đức, Phương Lâu. Hiện tại ở Phú Thọ có khoảng 150 nghệ nhân hát xoan lưu giữ những giá trị tinh hoa nhất của lối hát xoan cổ.
Trình tự trình diễn trong hát xoan
Hát xoan được thực hiện theo 3 phần: hát nghi lễ tín ngưỡng dân gian, trình diễn quả cách và hát hội.

- Hát nghi lễ: chủ yếu hát nghi thức với các bài: giáo trống, giáo pháo, đóng đám… để cầu nguyện các bậc thần linh phù hộ cho dân làng được may mắn, bình an, mùa màng bội thu…Phần lễ được thể hiện trước cửa võng ở nội đình.
- Hát quả cách: trình diễn 14 quả cách thể hiện đời sống sinh hoạt đời thường của người nông dân. Qua mỗi quả cách sẽ có đoạn nối tiếp láy câu linh hoạt, uyển chuyền và mềm mại.
- Hát hội: thể hiện giao duyên nam nữ với các tiết mục múa, hát, đối đáp linh hoạt. Phần hát này có thể hiện các hoạt cảnh, trò chơi: chơi bợm gái, xin hoa-đố chữ, gài hoa, cài huê – mó cá… mang đến nhiều hứng thú và sinh động nhất trong các phần của hát xoan.
Tục kết nghĩa giữa các phường xoan
Hát xoan truyền thống được thể hiện từ chính những người nông dân vốn quen chân lấm, tay bùn. Họ ngồi lại với nhau vào ngày xuân để cất lên tiếng hát yêu đời. Hát xoan cửa đình kết nghĩa giữa các họ xoan, phường xoan vì có chung tình yêu với nghệ thuật và quê hương, đất nước. Những làng có người hát xoan kết nghĩa với làng khác thì coi nhau như anh em. Kép, đào trong phường xoan không được kết hôn với nam thanh nữ tú trong làng vì đã trở thành anh em.
Giá trị nổi bật toàn cầu
Hát xoan Phú Thọ có hội tụ đầy đủ các giá trị không chỉ thể hiện văn hóa dân tộc mà còn lưu giữ những giá trị tinh hóa văn hóa nhân loại.

- Hát xoan có tính cộng đồng được lưu truyền từ đời này sang đời khác.
- Những giá trị trong hát xoan được bảo tồn vẹn nguyên cho đến đời nay.
- Hát xoan nhận được đánh giá cao từ các chuyên gia khoa học. Là một trong số ít loại hình âm nhạc hội tụ đầy đủ các thành tố nghệ thuật: hát, nhạc, múa…
Ngày 24/11/2011, hát xoan Phú Thọ đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Đây là thành công lớn góp phần khẳng định được giá trị nghệ thuật của dân tộc Việt Nam.
Hát xoan Phú Thọ vốn là những câu hát của người nông dân. Sau những ngày dãi dầm mưa nắng họ đứng bên nhau cùng cất lên tiếng hát thể hiện tình yêu quê hương, cội nguồn. Đây thực sự là sinh hoạt văn hóa mang đậm tính nhân văn, giàu nghĩa giàu tình của dân tộc Việt Nam.